Tư duy nào trong thiết kế
Tiếp nối câu chuyện về thiết kế và người thiết kế, hiện những vấn đề liên quan đến hội nhập khu vực và quốc tế trong nghề nghiệp của giới Kiến trúc sư ( KTS) Việt Nam thường được các ngành hữu quan đặt ra câu hỏi: làm sao để chúng ta không thua ngay trên sân nhà ? Chưa nói đến khả năng cạnh tranh ở công trình lớn có đấu thầu thiết kế hay công trình ngân sách, chi riêng ở mảng thiết kế công trình tư nhân nhỏ lẻ, dường như vẫn còn tồn tại một số cách tư duy thiết kế chưa thực sự khoa học, bài bản và hệ thống.
* Tư duy “ may nhờ rủi chịu”
Giới thiết kế lâu lâu than thở rằng sao nghề mình lắm rủi ro, hay bị “xù” thiết kế phí…Thế nhưng vấn đề ở đây lại không nằm trong phạm trù đạo đức hoặc pháp lý (lập hợp đồng thiết kế thế nào, đòi nợ thiết kế phí ra sao) mà nên nhìn dưới góc độ “tiên trách kỷ” : người thiết kế (chúng ta ) đã tiến hành tư duy và thực hiện các bước thiết kế thế nào để giảm bớt sự phụ thuộc vào may mắn ? Một số kiến trúc nước ngoài hoặc giới nghiên cứu về quy trình hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp ở nước ngoài có nêu lên ý kiến đáng lưu ý : có thể vì KTS ta có lúc vẫn còn tư duy theo kiểu 2 bước, nói theo Paul Lasseau là kiểu tư duy dựa vào may mắn, Success in Lucky ( trong Graphic Thinking in Architect and Designer ).
Hai khu resort khác nhau về phong cách, một do Singgapore, một do Việt Nam thiết kế,
đều có điểm chung là rất tỉ mỉ chi tiết và tôn trọng thiên nhiên là tiêu chí hàng đầu.
Tư duy hai bước, tuy có số nhiều ( 2 ) nhưng thực ra là đơn tuyến, đơn giản. Đó là từ bước một : KTS nạp dữ liệu vào, sau đó anh ta đến luôn bước hai: ra sản phẩm thiết kế ! Có đơn giản quá vậy chăng khi chính chủ đầu tư phải nêu câu hỏi: vì sao nhà tôi có nhu cầu này, có vấn đề kia đặt ra mà không thấy thiết kế giải quyết ? Câu trả lời có thể ấp úng, có thể hào hứng, đó là vì tôi ( người thiết kế) thấy làm thế này là đẹp, là do hình khối kiến trúc theo tôi nên nó phải kéo dài phòng này, thu nhỏ phòng kia, là bởi tỷ lệ đặc rỗng ngoài mặt tiền nên tôi trổ cửa chỗ này bít kín chỗ nọ… Phản hồi của chủ đầu tư dĩ nhiên cũng có thể ngập ngừng, nhưng cũng có thể rất lạnh lùng, vậy à, còn tôi thì thấy không đẹp, phi lý ! Tranh cãi về cái gì chứ về cái đẹp, nhất là trong kiến trúc, luôn là chủ đề vô tận, vô vọng và vô ích, vì cuối cùng công trình vẫn thuộc về chủ đầu tư. Anh ta có thể không thấy ngay, có thể ” nhịn” KTS một chút, nhưng rồi cũng sửa đổi theo ý anh ta. Và khi gia chủ đã không ưng thì sản phẩm của kiến trúc sư làm ra phải ” may nhờ rủi chịu” chính là vậy.
* Tư duy 3 bước có hoạch định:
Thay vào đó, nếu nhà thiết kế biết phân tích, tiếp nhận nhu cầu của chủ nhà ( kể cả nhu cầu – quan niệm về chuyện đẹp xấu ) thì vừa đỡ xảy ra tranh cãi, vừa mau chóng đi đến thống nhất ( dù ít hay nhiều ) những điều cơ bản cần giải quyết của một hồ sơ thiết kế. Đừng nhầm lẫn các vấn đề kể trên với kỹ năng trình bày hay thương thảo hợp đồng, mà cần hiểu rằng tự thân bản thiết kế của KTS nếu thể hiện tư duy chưa ổn chỗ nào đó thì dẫu anh ta có “ mồm năm miệng mười ” hay trình diễn với ” múa minh họa” hoành tráng đến đâu cũng không thể khỏa lấp khiếm khuyết được.
Vậy thì phải tư duy ra sao, hay phải làm gì giữa 2 bước tư duy đơn giản kể trên, đó chính là vấn đề đặt ra trong phương pháp tư duy 3 bước : Nạp dữ liệu đầu vào ( input) – Xử lý dữ liệu ( analys ) – Hoàn thành phương án ( output) .
Ở cách tư duy 3 bước ( hay còn gọi là Sự thành công có hoạch định – Succes in the Plan) này có thêm bước Xử lý dữ liệu nên nhà thiết kế thường xuyên được cân đối và chỉnh sửa bởi chính phương pháp của mình. Nếu dữ liệu anh ta có không đủ, mập mờ, chung chung, biến động,.. thì khi vào bước phân tích sẽ lộ ra các mâu thuẫn. Khâu xử lý dữ liệu và hoạch định các phương án nằm trong hệ thống ràng buộc nhau nên giải quyết xong bước 2 thì mới làm tiếp bước 3 được, không thì sẽ phải quay lại khâu nạp dữ liệu. Ta có thể xét qua trường hợp cụ thể dưới đây:
Ví dụ gia chủ nêu hết các nhu cầu, từ đó thấy phải làm tối thiểu 3 tầng mới đáp ứng được, nhưng dữ liệu về cấp phép xây dựng lại chỉ được làm không quá 2 tầng, gia chủ sẽ thiếu hẳn một số phòng chức năng. Như vậy, hai bên phải ngồi lại với nhau liền chứ không phải cứ làm cho ra ý tưởng xong mới đi xin phép để rồi bị chỉnh sửa ( hoặc ” chạy ” để được làm trái phép như một số người lầm tưởng). Thiết kế lúc này phải tính toán gói ghém trong diện tích có thể, chủ nhà phải chấp nhận giảm bớt nhu cầu, gặp bên cấp phép để được hướng dẫn đảm bảo đúng quy định… Vậy thì, năng lực thiết kế ở giai đoạn này không liên quan nhiều đến hình khối 3D hay nội thất lung linh mà nhà thiết kế đang định hăm hở “khoe hàng”. Thay vào đó, phải phân tích, phác thảo lại sao cho thỏa mãn nhu cầu và xử lý bài toán bị bó buộc do qui định xây dựng. Nếu nhà thiết kế có kinh nghiệm, kiên quyết dừng lại tại đây để đợi chủ nhà đi xin phép, xác định lại nhu cầu, thậm chí xác định lại với nhau có làm tiếp hay không,… thì anh ta sẽ không phí công mộng mơ, thất vọng, mất hứng,…như một số nhà thiết kế trẻ chưa thực sự chuyên nghiệp hay than thở.
* Tư duy phản biện và sự kiểm tra đôi bên :
Để hoàn thành phương án tuần tự và khoa học còn cần đến tư duy phản biện, như một công cụ bắt buộc để không bỏ sót dữ liệu và tạo sự công bằng. Các nhà phân tích về tư duy trong sáng tạo, như lý thuyết của Richard Paul và Linda Elder, đã chỉ ra một số đề mục mà KTS cần sử dụng để phản biện lại gia chủ cũng như bản thân để củng cố dữ liệu :
– Sự rõ ràng và chính xác: để làm rõ các nhu cầu ( ví dụ : phòng ngủ muốn rộng là sẽ có gì trong đó). Hoặc làm rõ những khái niệm chưa chính xác ( ví dụ gia chủ muốn phòng khách cao cho sang, vậy thế nào là cao, 3m7 hay phải trên 4m2 ?
– Sự liên quan và các chiều hướng: ví dụ gia chủ muốn làm vườn trên mái nhà, vậy các yếu tố cần phải lưu tâm như cấp thoát nước, chống thấm, kết cấu, mái che,…và thậm chí cả trải nghiệm của gia chủ với câu hỏi : anh chị đã từng làm vườn trên mái chưa, có thời gian để chăm sóc không, cần đặt ra và giải đáp.
– Sự logic và ý nghĩa của các ý tưởng: vì sao anh chị thích nhà kiểu Tây ? Nếu làm nhà kiểu Tây thì sẽ gặp những vấn đề gì cần tuân thủ, như kiểu cách, thức cột, vòm và gờ chỉ … với tài liệu tham khảo kiến trúc cổ điển Tây phương thật cụ thể để “nói có sách mách có chứng”, không mơ hồ nhập nhằng.
Bất kỳ ngôi nhà nào cũng đều có những chuyện cơ bản và quan trọng mà chủ nhà thấy cần phải giải quyết. Ví dụ : nhà nhỏ chật hẹp, kinh phí không đủ, các tranh cãi về kiểu dáng hoặc phong cách… Nếu người thiết kế được giao nhiệm vụ quá sơ sài, hời hợt, không có điểm gì nổi trội thì đó chính là vấn đề. Bởi vì, hoặc gia chủ chưa nhận ra, hoặc là vấn đề đã bị chìm khuất bởi quá trình trao đổi thông tin không rõ, bị nhiễu thông tin bởi chuyện nhỏ nhặt. Một ví dụ khác: thay vì tự tin vào việc xử lý nền móng công trình trên nền đất yếu (nếu mình chỉ biết lý thuyết chung chung ) thì KTS hãy tư vấn cho gia chủ tìm đơn vị khác thích hợp việc này để tham khảo ý kiến xử lý cụ thể. Tâm lý ngại bày vẽ ban bệ tốn kém khiến gia chủ hay có xu hướng “gom về một mối” và làm cho Kiến trúc sư phải “đóng rất nhiều vai”.
Thực tế cũng có KTS tự tin đến mức tuyên bố “ Chỉ cần anh chị nghe lời em thì sẽ có công trình tốt (!)”. Đây là một lập luận xét về khoa học là mập mờ và mang tính chủ quan. Nghe là nghe đến mức nào, sao tôi lại phải nghe anh khi mà anh không chịu nghe tôi ? Khi anh chưa kiểm chứng được các vấn đề liên quan đến thực tế diễn ra như kỹ thuật thi công, biến động giá cả, quan hệ láng giềng, tài chính của gia chủ,…thì làm sao có thể đảm bảo sẽ có nhà tốt nhà đẹp với chỉ thuần túy niềm tin ? Thay vào kiểu lập luận đó, người thiết kế nên đóng vai bạn đồng hành với gia chủ, không ai dẫn dắt ai, cũng không bắt ai phải nghe lời ai, mà là tương tác và thỏa thuận. Khí đó trách nhiệm sẽ rõ ràng và việc xây nhà trở thành quá trình điều chỉnh cùng nhau chứ không phải là quãng thời gian chịu đựng lẫn nhau, hay đặt ” niềm tin và hy vọng” để rồi có thể sẽ thất vọng. Có những kiểu thất vọng “bản vẽ đẹp sao thực tế xấu”, hoặc kiểu “tôi không nghĩ là làm ra nhà lại như vậy,…v…v…” thực chất đều do quy trình làm việc thiên về cảm tính.
Thiết kế Hai khu resort khác nhau về phong cách, một do Singgapore, một do Việt Nam thiết kế, đều có điểm chung là rất tỉ mỉ chi tiết và tôn trọng thiên nhiên là tiêu chí hàng đầu.cảnh quan hiện nay không còn bó hẹp trong ” làm cây cối sân vườn” mà là một công việc đòi hỏi chuyên nghiệp và kiến thức sâu rộng.
Nhìn ra thế giới, việc dùng tư duy phản biện trong thiết kế luôn rất cần thiết để các bên “xới vấn đề ” và giảm thiệt hại. Năm 1985, tòa Kim tự tháp bằng kính do KTS. I.Ming Pei thiết kế tại sân giữa Cung điện Bảo tàng Lourve ( Pháp) đã phải làm mô hình gần bằng thực tế ngay tại vị trí sẽ xây để dân chúng Paris “chặt chém, ném đá” chán chê, sau đó phải nhờ ngài thị trưởng can thiệp mới được thi công và trở thành điểm đến quí giá cho Paris. Điều này cho thấy đúng như cố KTS. Zaha Hadid năm 2004 đã khẳng định quan điểm “ Cần thiết cho mọi người hiểu rằng nghề kiến trúc không được phép đi theo lối mòn và không hề dễ dàng chút nào”. Điều này ngày càng hiển thị rõ trong xu hướng hội nhập hiện nay, khi các ngành thiết kế ( quy hoạch- kiến trúc- nội thất – cảnh quan – vật dụng…) ngày càng chuyên sâu và đòi hỏi kiến thức, phương pháp, kỹ năng bài bản , chuyên nghiệp hơn.
Các không gian càng mộc mạc tự nhiên thì càng cần đầu tư về thiết kế để có được tiện ích, thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng.